latest Post

Thủ tướng đôn đốc tiến độ xây dựng VBQPPL

Song song với việc bảo đảm tiến độ xây dựng các luật, pháp lệnh và văn bản quy định chi tiết, các Bộ, ngành cần đặc biệt chú ý tới công tác phối hợp, tới chất lượng, tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi của các dự án luật, pháp lệnh, các văn bản quy định chi tiết.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh yêu cầu này tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật của Chính phủ diễn ra trong 2 ngày (27, 28/7).
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh trong 6 tháng đầu năm 2015, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015.

Báo cáo về Chương trình này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết trong 6 tháng đầu năm 2015, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt công tác soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật của Chính phủ.

Chính phủ đã ban hành 6 Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ ban hành 5 Quyết định phân công và 2 văn bản để chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành.

Về cơ bản, các dự án luật, pháp lệnh đều được trình Quốc hội đúng thời hạn và bảo đảm chất lượng. Các văn bản quy định chi tiết được ban hành cơ bản bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ, khả thi,…

Trong 6 tháng đầu năm 2015, các Bộ, cơ quan ngang Bộ phải trình Chính phủ 21 dự án luật, pháp lệnh. Kết quả, có 5 dự án đã được Chính phủ cho ý kiến, thông qua; 11 dự án được Chính phủ cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề tháng 7; 1 dự án trình Chính phủ cho ý kiến về định hướng lớn; 1 dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 ngày 16/12/2013 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên đã được gửi Phiếu xin ý kiến thành viên Chính phủ trong tháng 7.

Có 3 dự án xin lùi thời hạn trình gồm: Luật Báo chí (sửa đổi), Luật Biểu tình, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ.

Về văn bản quy định chi tiết, trong 6 tháng đầu năm 2015, các Bộ, cơ quan ngang Bộ cũng đã tích cực triển khai nhiệm vụ xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành theo thẩm quyền.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường báo cáo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh trong 6 tháng đầu năm 2015, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015.

Theo yêu cầu, các Bộ, cơ quan ngang Bộ phải trình 178 văn bản, gồm 155 văn bản nợ đọng quy định chi tiết 34 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực và 23 văn bản quy định chi tiết 4 luật sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2016.

Tuy nhiên đối với 155 văn bản quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực thì đến nay, mới ban hành được 53/155 văn bản, đạt 34,19%.

Đối với 23 văn bản quy định chi tiết 4 luật sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2016, hiện các Bộ, cơ quan ngang Bộ đang tích cực nghiên cứu soạn thảo để trình cấp có thẩm quyền ban hành, bảm đảm có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật.

Về nội dung trên, bên cạnh khẳng định những mặt đạt được trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ ra nhiều hạn chế liên quan đến công tác xây dựng pháp luật, trong đó có việc phải điều chỉnh Chương trình; xin lùi một số dự án luật; trong số 155 văn bản quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực đến nay mới chỉ ban hành được 53 văn bản, số lượng văn bản quy định chi tiết nợ đọng còn rất lớn;…

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại trong công tác xây dựng pháp luật, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2015, trong đó có trình Chính phủ xem xét, thông qua 3 dự án luật, pháp lệnh để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là dự án Luật về Hội, dự án Luật Báo chí (sửa đổi), dự án Pháp lệnh Quản lý thị trường.

Cùng với đó là tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội chỉnh lý các dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 và chuẩn bị các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 tới đây; tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết.

"Đối với 155 văn bản quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực, đến nay, mới ban hành được 53 văn bản, còn tới 102 văn bản, nếu vậy sẽ không bảm đảm được tính hiệu lực, hiệu quả của pháp luật. Do đó, phải tập trung để làm, phải làm càng sớm càng tốt và tôi cũng đã có yêu cầu phải trình trong tháng 9 này rồi”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đôn đốc.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, song song với việc bảo đảm tiến độ xây dựng các luật, pháp lệnh, các văn bản quy định chi tiết, các Bộ, ngành cần đặc biệt chú ý tới công tác phối hợp, tới chất lượng, tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi của các dự án luật, pháp lệnh, các văn bản quy định chi tiết.

“Các đồng chí Bộ trưởng phải hết sức quan tâm trong phối hợp, phải phối hợp cho thật tốt; cái gì thấy khó thì phải báo cáo ngay với Chính phủ để xử lý. Phải khắc phục tình trạng cử cán bộ đi phối hợp, có ý kiến phối hợp xong rồi, khi trình Chính phủ lại có ý kiến khác. Mục đích là để làm cho nhanh, cho chất lượng”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp tiếp tục thực hiện tốt khâu thẩm định, thẩm tra; nhấn mạnh yêu cầu phải thẩm định, thẩm tra tốt để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi của các dự án luật, pháp lệnh cũng như các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh.

Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận 9 dự án luật, pháp lệnh và Báo cáo về công tác tổ chức, triển khai Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư năm 2014.

About Unknown

Unknown
Recommended Posts × +

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Pingback: suc khoe sac dep | thong tin suc khoe | cong ty bao ve tai can tho | dich vu bao ve o quan 1